Lượt xem: 233
Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Long Phú góp phần tạo sự chuyển biến trong vùng đồng bào Khmer
16/02/2019
Long Phú là huyện thuần nông của tỉnh Sóc Trăng, có 09 xã, 02 thị trấn với 61 ấp, huyện có 04 tuyến đường chính đi vào địa phận như : Quốc lộ 60, tỉnh lộ 933, tỉnh lộ 933C, đặc biệt là có tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu đi qua 03 xã và 02 thị trấn, toàn huyện có 28.181 hộ, với 114,010 khẩu, trong đó dân tộc Kinh là 80.504 người, chiếm 70,61%, dân tộc Khmer 32.561 người, chiếm 28,56%; dân tộc Hoa 919 người, chiếm 0,81%. Huyện có 03 xã và 01 thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với 05 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc đã giúp cho đời sống của đồng bào dân tộc không ngừng được nâng lên, việc thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo cũng ngày càng có nề nếp hơn.
Trong những năm qua, tuân thủ hệ thống tổ chức của Tỉnh hội, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Long Phú đã triển khai thực hiện các nội dung của điều lệ Hội, thông bạch, thông tư đến các thành viên Ban Chấp hành, chư tăng, trụ trì các chùa trên địa bàn huyện. Công tác trọng tâm là tổ chức các ngày lễ hội được thống nhất trang nghiêm, trọng thể và tiết kiệm. Huyện hội còn triển khai các cuộc tuyên truyền Pháp lệnh tín ngưỡng, Tôn giáo và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho chư tăng và phật tử. Qua đó, nâng cao nhận thức sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong 04 ngày quy y trong tháng, các ngày lễ hội Phật giáo và dân tộc được tổ chức tại gia đình và trong chùa được các vị trụ trì, Pháp sư và Ban Chấp hành Hội lồng ghép tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Hội đã tổ chức tuyên truyền được 240 cuộc, có gần 4.000 lượt chư tăng, cư sĩ, phật tử dự. Qua tiếp thu nội dung tuyên truyền đã giúp cho chư tăng, Phật tử càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm tu học và hành đạo, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia hoạt động cách mạng của địa phương như : Đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, giữ gìn an ninh trật tự phum sóc, chùa chiền. Các lễ hội mang bản sắc văn hóa dân tộc cũng được quan tâm.
Chú thích ảnh: Họp mặt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Năm 2018, các chùa trên địa bàn huyện đã mở được 05 lớp Phật học – Pali cho gần 100 tăng sinh, học sinh theo học; các lớp tiểu học ngữ văn Khmer mở được 39 lớp, có trên 1.000 em theo học, có 48 giáo viên giảng dạy. Các chùa có phong trào học tập mạnh là chùa Bâng Cro chắp Thmây xã Tân Hưng, Chùa Sâng Ker xã Trường Khánh và chùa Tứk Prây thị trấn Long Phú. Hàng năm các chùa trong huyện đã tiếp nhận hàng chục vị tăng sinh, học sinh các nơi về tá túc học tập, mở nhiều lớp ngữ văn Khmer. Ngoài việc tổ chức lớp tại các chùa trên địa bàn, Ban Chấp hành Hội còn kết hợp với Hội cấp trên đưa một số vị đi học tại Trường Trung cấp Pali Nam bộ, thậm chí có một vị đã du học ở nước ngoài.
Đặc biệt, các chùa còn quan tâm đến công tác từ thiện xã hội để giúp cho những hoàn cảnh khó khăn giảm nhẹ khó khăn trong cuộc sống. Trong những năm qua, phát huy tinh thần từ bi theo Đức Phật cùng với việc phát huy tinh thần “ lá lành đùm lá rách”, các vị trụ trì đã tham gia thực hiện công tác từ thiện xã hội như : Thăm tặng quà cho hộ nghèo, tặng học bổng cho các em học sinh nghèo có tinh thần vượt khó học giỏi, chăm sóc người già neo đơn, hỗ trợ tang lễ cho Phật tử người có công với chùa chiền … Tổng kinh phí thực hiện công tác từ thiện xã hội mỗi năm trên 800 triệu đồng. Ngoài ra, còn có những vị trụ trì được sự chấp thuận của chính quyền địa phương tự xuất phần kinh phí và vận động thêm từ các nhà hảo tâm xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong vùng đồng bào dân tộc Khmer
Nhờ thực hiện tốt phương châm “tốt đời đẹp đạo” các vị trụ trì luôn có sự gắn kết việc vận động phật tử thực hiện tốt Luật đạo với việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và các vùng có đông đồng bào Khmer có sự ổn định, chư tăng, phật tử Khmer có tinh thần cảnh giác với mọi âm mưu gây chia rẽ đoàn kết của các thế lực thù địch. Phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng, đoàn kết giữa người có đạo và những người không có đạo, bày trừ các tệ nạn xã hội, đề cao việc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa và tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Đại đức Thạch Thươl Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Long Phú bộc bạch : “ Được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam và các ngành có liên quan càng giúp cho các vị trụ trì, các thành viên trong Ban Chấp hành có nhận thức đúng đắn trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, mà việc tổ chức các lớp học nâng cao trình độ dân trí cho chư tăng, Phật tử Khmer với số lượng và chất lượng không ngừng được nâng lên, định hướng học song ngữ khẳng định phù hợp với tình hình đổi mới của đất nước, đặc thù của dân tộc.
Phát huy thành tích đạt được Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyên Long Phú đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 và những năm tiếp theo là : Tập trung trên các lĩnh vực Phật sự, công tác giáo dục tuyên truyền và đào tạo, nhân đạo, từ thiện, an ninh, quốc phòng … nhằm giúp cho hoạt động của Hội đạt hiệu quả cao hơn.
Bài và ảnh: Sóc Ca.